1. Sổ đỏ, sổ hồng khác nhau thế nào?
Trên thực tế sổ đỏ, sổ hồng không phải là loại giấy tờ được pháp luật quy định mà đây chỉ là tên gọi do người dân dựa trên màu sắc của mỗi loại giấy để tự đặt ra để nói cho ngắn gọn cũng như để phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, để thống nhất thành một loại Giấy chứng nhận, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, hai loại Giấy chứng nhận nói trên sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Như vậy, theo như các quy định vừa trích dẫn ở trên, sổ đỏ hay sổ hồng đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thực tế hiện nay vẫn đang lưu hành cả 3 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cả 3 đều có giá trị pháp lý như nhau.
2. Các trường hợp được làm sổ đỏ
Các trường hợp được làm sổ đỏ – hay nói cách khác là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013. Theo đó, các trường hợp trên bao gồm:
- Người sử dụng đất có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013
- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất
- Người nhận chuyển nhượng đất, được thừa kế hoặc tặng cho đất,… hợp pháp
- Người được sử dụng đất theo quyết định hòa giải; theo quyết định, bản án của Tòa án
- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất
Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp - Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; mua nhà thuộc sở hữu nhà nước
- Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa
- Người bị mất, bị hư hỏng giấy chứng nhận xin cấp lại.
3. Những trường hợp nào không được hoặc chưa được cấp “Sổ hồng”
Không cấp “Giấy hồng” đối với các trường hợp:
- Nhà thuộc sở hữu Nhà nước: nhà có quyết định quản lý của UBND Thành phố, Quận, Huyện.
- Nhà đất nằm trong khu quy hoạch.
- Nhà đã có quyết định giải tỏa.
- Nhà do lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên dự án đã được phê duyệt.
Chưa cấp “Giấy hồng” đối với các trường hợp:
- Nhà, đất đang có tranh chấp.
- Nhà thuộc diện 2/IV.
- Nhà có yếu tố nước ngoài.
- Người không có hộ khẩu tại TPHCM cũng chưa được xét cấp đối với nhà xây dựng trái phép, hoặc nhà mua của người chưa có chủ quyền.
4. Hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị
Sổ hộ khẩu, chứng minh thư
Đăng ký kết hôn, hoặc xác nhận tình trạng hôn nhân
Giấy chứng nhận sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất,…
Các loại giấy tờ liên quan kèm theo, bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền;
Đơn đăng ký biến động đất đai;
Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng/tặng cho;
Các tờ khai thuế gồm: thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ nhà, đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
5. Thời gian làm sổ hồng nhanh nhất là ?
Mặc dù quy định đã có, nhưng trong quá trình làm thủ tục xin cấp Sổ hồng sẽ không tránh khỏi một vài phát sinh. Theo Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP. Theo đó:
- Làm sổ đỏ lần đầu là không quá 30 ngày làm việc.
- Sang tên sổ đỏ là không quá 15 ngày làm việc.
6. Quy trình cấp sổ hồng tại TPHCM
Bước 1. Nộp hồ sơ
- Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
- Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp phường nếu có nhu cầu.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý
Trường hợp 1: Nếu hồ sơ thiếu
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (trong thời hạn 03 ngày làm việc).
Trường hợp 2: Nếu hồ sơ đủ
- Công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận;
- Viết và đưa Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp;
Xử lý yêu cầu cấp Sổ cho hộ gia đình, cá nhân:
- Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thông báo các khoản tiền phải nộp cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu cấp Sổ.
- Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo quy định như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có). Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bước 3. Trả kết quả
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Sổ hồng cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Sổ đỏ cho UBND cấp phường để trao hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp phường.