Thông tin, bản đồ quy hoạch Bình Thạnh TPHCM năm 2021 – 2030

Bình Thạnh là một quận nội thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Quận Bình Thạnh sở hữu hệ thống sông ngòi lớn tạo thành một hệ thống đường thủy đáp ứng lưu thông cho xuồng, ghe nhỏ đi sâu vào các khu vực, thông thương với các địa phương khác.

I. Quy mô, tính chất lập quy hoạch quận Bình Thạnh

Quy mô lập quy hoạch quận Bình Thạnh bao gồm toàn bộ địa giới hành chính quận Bình Thạnh, bao gồm 20 phương, có diện tích 20,78 km². Phạm vi lập quy hoạch có giới hạn:

  • Phía đông giáp thành phố Thủ Đức với ranh giới là sông Sài Gòn
  • Phía tây giáp quận Phú Nhuận và Gò Vấp
  • Phía nam giáp Quận 1 với ranh giới là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
  • Phía bắc giáp Quận 12 với ranh giới là sông Vàm Thuật.

Quận Bình Thạnh được chia thành 20 phường gồm: 1, 2, 3, 5, 6, 7, 11, 12, 13, 14, 15, 17, 19, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28 (không có các phường 4, 8, 9, 10, 16, 18, 20, 23). Trong đó, phường 14 là nơi đặt trụ sở Ủy ban nhân dân và các cơ quan hành chính của quận.

Tính chất chức năng quy hoạch: quận Bình Thạnh là quận nội thành mang chức năng ở, thương mại – dịch vụ, du lịch và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sạch không ô nhiễm.

II. Thông tin, bản đồ quy hoạch Bình Thạnh TPHCM

1. Thông tin, bản đồ quy hoạch sử dụng đất quận Bình Thạnh

1.1. Giai đoạn đến năm 2025:

1.1.1. Cơ cấu sử dụng đất:

a. Đất dân dụng: 1.250,49ha, chiếm tỷ lệ 60,39%

Trong đó:

  • Đất ở: 728,96 ha, chiếm tỷ lệ 35,20%
  • Đất công trình công cộng, dịch vụ đô thị: 85,82 ha, chiếm tỷ lệ 4,14%
  • Đất cây xanh sử dụng công cộng: 85,37 ha, chiếm tỷ lệ 4,12%
  • Đất giao thông đối nội: 215,20 ha, chiếm tỷ lệ 10,40%
  • Đất hỗn hợp: 46,78 ha, chiếm tỷ lệ 2,26%

b. Đất khác trong phạm vi đất dân dụng: 88,36 ha, chiếm tỷ lệ 4,27%

Trong đó:

  • Đất công trình công cộng cấp thành phố, trung ương: 65,99 ha, chiếm tỷ lệ 3,19%
  • Đất tôn giáo: 22,37 ha, chiếm tỷ lệ 1,08%

c. Đất ngoài dân dụng: 717,98 ha, chiếm tỷ lệ 34,67%

Trong đó:

  • Đất giao thông đối ngoại: 103,95 ha, chiếm tỷ lệ 5,02%
  • Đất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, kho tàng: 4,40 ha, chiếm tỷ lệ 0,21%
  • Đất cây xanh cách ly, hạ tầng kỹ thuật: 27,20 ha, chiếm tỷ lệ 1,31%
  • Đất kênh rạch, mặt nước : 212,00 ha, chiếm tỷ lệ 10,24%
  • Đất nông lâm, thủy sản : 370,43 ha, chiếm tỷ lệ 17,89%

1.1.2. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất:

a. Đất dân dụng: 24,05 m2/người

  • Đất ở: 14,02 m2/người
  • Đất công trình công cộng, dịch vụ đô thị: 1,65 m2/người
  • Đất cây xanh sử dụng công cộng: 1,64 m2/người
  • Đất giao thông đối nội: 4,29 m2/người
  • Đất hỗn hợp: 0,86 m2/người

b. Quy mô dân số: 520.000 người

c. Mật độ xây dựng: 30 ÷ 60%

d. Tầng cao xây dựng:

  • Tối thiểu: 2 tầng
  • Tối đa: 45 tầng

 

Thông tin, bản đồ quy hoạch Bình Thạnh TPHCM năm 2021 – 2030

1.2. Giai đoạn đến năm 2030:

1.2.1. Cơ cấu sử dụng đất:

a. Đất dân dụng: 1.622,06ha, chiếm tỷ lệ 78,33%

Trong đó:

  • Đất ở: 654,99 ha, chiếm tỷ lệ 31,63%
  • Đất công trình công cộng, dịch vụ đô thị: 133,68 ha, chiếm tỷ lệ 6,46%
  • Đất cây xanh sử dụng công cộng: 141,06 ha, chiếm tỷ lệ 6,81%
  • Đất giao thông đối nội: 330,40 ha, chiếm tỷ lệ 15,95%
  • Đất hỗn hợp: 96,96 ha, chiếm tỷ lệ 4,68%

b. Đất khác trong phạm vi đất dân dụng: 264,97 ha, chiếm tỷ lệ 12,80%

Trong đó:

  • Đất công trình công cộng cấp thành phố, trung ương : 242,60 ha, chiếm tỷ lệ 11,72%
  • Đất tôn giáo: 22,37 ha, chiếm tỷ lệ 1,08%

c. Đất ngoài dân dụng: 346,41 ha, chiếm tỷ lệ 16,73%

Trong đó:

  • Đất giao thông đối ngoại: 105,30 ha, chiếm tỷ lệ 5,09%
  • Đất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, kho tàng: 3,96 ha, chiếm tỷ lệ 0,19%
  • Đất cây xanh cách ly, hạ tầng kỹ thuật: 25,15 ha, chiếm tỷ lệ 1,21%
  • Đất kênh rạch, mặt nước: 212,00 ha, chiếm tỷ lệ 10,24%
  • Đất nông lâm, thủy sản: không còn.

1.2.2. Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất:

a. Đất dân dụng: 28,97 m2/người

  • Đất ở: 11,70 m2/người
  • Đất công trình công cộng, dịch vụ đô thị: 2,39 m2/người
  • Đất cây xanh sử dụng công cộng: 2,52 m2/người
  • Đất giao thông đối nội: 5,90 m2/người
  • Đất hỗn hợp: 1,73 m2/người

b. Quy mô dân số: 560.000 người

c. Mật độ xây dựng: 30 ÷ 60%

c. Tầng cao xây dựng:

  • Tối thiểu: 2 tầng
  • Tối đa: 45 tầng

2. Thông tin, bản đồ quy hoạch Bình Thạnh về phát triển không gian vùng

2.1. Các đơn vị ở: Toàn quận Bình Thạnh chia thành 4 cụm ở, như sau:

Cụm I (hướng Nam): Giới hạn bởi các trục đường Hoàng Hoa Thám nối dài, đường Phan Đăng Lưu, đường Nơ Trang Long, đường Phan Văn Trị, đường Huỳnh Đình Hai, đường Bạch Đằng, đường Điện Biên Phủ, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rạch Thị Nghè, bao gồm các phường 1, phường 2, phường 3, phường 14, phường 15 và phường 17.

  • Diện tích: 252,32 ha chiếm 12,18% diện tích toàn quận.
  • Dự kiến quy mô dân số: 128.900 người.
  • Chức năng: Khu dân cư và trung tâm hành chánh – giáo dục – thương mại – dịch vụ, trong đó quan trọng nhất là khu trung tâm chợ Bà Chiểu, hoàn chỉnh khu dân cư Miếu Nổi, khu chung cư Nguyễn Ngọc Phương và khu vực Cù Lao Chà.
  • Định hướng: hoàn chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu: Miếu Nổi (phường 3), Khu chung cư Trường Sa (phường 17), khu nhà ở tái định cư Điện Biên Phủ. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, giải tỏa các khu nhà lụp xụp, xuống cấp để xây dựng các khu chung cư mới có tầng cao 10 – 25 tầng, giải quyết quỹ nhà ở tái định cư, giảm mật độ xây dựng để bố trí cây xanh và công trình hạ tầng xã hội. Chuyển đổi các khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ ô nhiễm sang chức năng dân cư.

Cụm II (hướng Tây): Giới hạn bởi các trục đường Phan Đăng Lưu, đường Nguyễn Văn Đậu, đường Nguyễn Thượng Hiền, đường Lê Quang Định, đường Nguyên Hồng, đường Phan Văn Trị, đường Nơ Trang Long, đường Bùi Đình Túy, bao gồm phường 5, phường 6, phường 7, phường 11, phường 12 và phường 13.

  • Diện tích: 555,38 ha chiếm 26,82% diện tích toàn quận.
  • Dự kiến quy mô dân số: 175.800 người.
  • Chức năng: Khu dân cư và trung tâm thương mại – dịch vụ – giáo dục, trong đó quan trọng nhất là hoàn chỉnh khu dân cư Bình Hoà, xây dựng trường Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh và khu công viên cây xanh kết hợp cải tạo chỉnh trang khu vực, xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài).
  • Định hướng: hoàn chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu: dân cư Bình Hòa, khu phục vụ giải tỏa kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, khu tái định cư Nhật Thành, khu dân cư dọc đường Phan Chu Trinh. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm tại phường 11, phường 12, phường 13, chuyển đổi thành các khu công trình công cộng, khu chung cư cao tầng phục vụ tái định cư nhà ở kinh doanh.

Cụm III (hướng Đông): Giới hạn bởi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Điện Biên Phủ, sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè, bao gồm phường 19, phường 21 và phường 22.

  • Diện tích: 256,41 ha chiếm 12,4% diện tích toàn quận.
  • Dự kiến quy mô dân số: 72.600 người.
  • Chức năng: Phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch trong đó quan trọng nhất là cầu Thủ Thiêm và đường Ngô Tất Tố, hoàn chỉnh khu đô thị và phần thuộc Khu bờ Tây sông Sài Gòn phường 22 thuộc Khu trung tâm thành phố mở rộng (930ha).
  • Định hướng: xây dựng hoàn chỉnh các chung cư Phạm Viết Chánh, chung cư Nguyễn Ngọc Phương, chung cư cao tầng Công ty xây dựng số 5, khu nhà ở Thanh niên xung phong, khu đô thị Thanh niên Văn Thánh, khu phức hợp Bitexco, khu phức hợp Công ty SSG, khu phục vụ giải tỏa phường 19, phường 21. Chuyển đổi một số quỹ đất quốc phòng theo quy hoạch được duyệt.

Cụm IV (hướng Bắc): Giới hạn bởi các trục đường Điện Biên Phủ, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Bạch Đằng, đường Nguyễn Thiện Thuật, đường Bùi Đình Túy, đường Đinh Bộ Lĩnh, đường Chu Văn An, rạch Lăng, đường Nguyễn Xí, sông Sài Gòn, bao gồm phường 24, phường 25, phường 26, phường 27 và phường 28.

  • Diện tích: 1.006,56 ha chiếm 48,6% diện tích toàn quận.
  • Dự kiến quy mô dân số: 182.700 người.
  • Chức năng: Phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch trong đó quan trọng nhất là phường 27, phường 28 với tính chất là khu đô thị sinh thái – hiện đại, bao gồm chức năng chính là dân cư hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội – kỹ thuật đô thị đồng bộ trong tổng thể không gian công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên (du lịch – nghỉ dưỡng – văn hóa – giải trí).
  • Định hướng: xây dựng hoàn chỉnh các khu dân cư tại phường 25 và phường 26. Xây dựng mới lại các khu chung cư đã xuống cấp trầm trọng tại phường 27, nâng tầng cao, giảm mật độ xây dựng để thêm quỹ đất cho cây xanh, tạo khu vực cửa ngõ cho khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa.

2.2. Dịch vụ đô thị:

a) Mạng lưới thương mại – dịch vụ:

  • Theo quy hoạch tổng mặt bằng thành phố, phía Đông Bắc của quận Bình Thạnh phát triển trở thành trung tâm thành phố. Các khu vực trước đây dự kiến phát triển khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hiện không còn phù hợp, dần trở thành các khu dân cư xây dựng mới, trong khi đó một số hoạt động thương mại – dịch vụ – du lịch phát triển xen kẽ trong khu dân cư.
  • Xây dựng chợ Bà Chiểu thành trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống và hệ thống đa năng.
  • Cải tạo khu thương mại – du lịch Văn Thánh – Tân Cảng – cảnh quan sông Sài Gòn, mở rộng các dịch vụ vui chơi giải trí mang tính cổ truyền, phục vụ ăn uống cao cấp, nâng cao văn hóa ẩm thực và khai thác du lịch.
  • Xây dựng trung tâm thương mại Văn Thánh, Thanh Đa.
  • Xây dựng khu dịch vụ – siêu thị – thương mại – văn phòng dọc đường Điện Biên Phủ theo hình thức cao tầng với khối đế có chức năng thương mại – dịch vụ, các tầng khác là văn phòng hoặc chung cư cao cấp;
  • Phát triển các trục đường thương mại – dịch vụ như đường Điện Biên Phủ, đường Bạch Đằng, đường Đinh Bộ Lĩnh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh theo hình thức nhà phố kết hợp thương mại.
  • Phát triển khu du lịch – vui chơi giải trí Bình Quới – Thanh Đa, khuyến khích các loại hình vui chơi mang tính dân tộc, dịch vụ lưu trú, biệt thự cho thuê, thể dục thể thao.

b) Mạng lưới giáo dục:

  • Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục chủ yếu bậc mầm non và tiểu học.
  • Hoán chuyển, thanh lý các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở mới.
  • Thu hồi các phần đất bị chiếm dụng trái phép trong khuôn viên trường hiện hữu để mở rộng mặt bằng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.
  • Chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng các kho bãi không sử dụng hay hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường sang chức năng đất giáo dục.
  • Phát triển đồng bộ mạng lưới trường học theo đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt trên địa bàn quận. Xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn theo quy định.

c) Mạng lưới y tế:

  • Phát triển hệ thống y tế gắn liền với quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phát triển ở cả 2 loại hình: công lập và dân lập thông qua việc thực hiện xã hội hóa đầu tư hài hòa, cân đối.
  • Xác định theo địa bàn phường, có giải pháp về vốn và khai thác phù hợp theo từng giai đoạn cụ thể để tạo quỹ đất dành cho xây dựng các cơ sở y tế. Tuy nhiên do quỹ đất ít, dân số đông nên điều kiện phát triển sẽ rất khó khăn, do đó chỉ tiêu cơ sở y tế thấp hơn so với các tiêu chuẩn hiện hành.
  • Cơ sở hiện hữu: Nâng cấp, mở rộng diện tích, quy mô từng bước đạt chuẩn, xây dựng phải gắn liền với trang thiết bị tiên tiến.

Lĩnh vực y tế dự phòng:

  • Xây mới Trung tâm y tế dự phòng quận quy mô khoảng 3.000m2
  • Phòng khám bệnh xã hội (lao, tâm thần, da liễu) hiện có quy mô 415,5m2 chuyển sang vị trí mới quy mô khoảng 3.000 m2.
  • Trung tâm tham vấn và hổ trợ cộng đồng (HIV/AIDS) hiện có quy mô 169m2 chuyển sang vị trí mới quy mô khoảng 3.000m2.

Lĩnh vực khám chữa bệnh:

  • Xây mới 1 trạm y tế quy mô khoảng 0,7 ha, dự kiến tại phường 22.
  • Nâng cấp Trung tâm y tế quận hiện hữu từ 50 lên 100 giường bệnh: 0,54ha.

Xây dựng 20 trạm y tế phường: theo chuẩn Quốc gia về y tế, quy hoạch 1 trạm quy mô 150 – 500 m2/trạm, dự kiến khoảng 0,5 – 1,0 ha. Tổng quỹ đất phát triển ngành y tế đến năm 2030 trên địa bàn quận Bình Thạnh là 13,8512 ha, trong đó:

Cơ sở y tế cấp thành phố: 6,4122 ha (hiện trạng 4,4122 ha, cần thêm 2 ha).

  • Nâng cấp bệnh viện Ung Bướu: 1,3444 ha .
  • Nâng cấp bệnh viện Nhân dân Gia định: 3,0678 ha.

Cơ sở y tế cấp quận: 7,44 ha (hiện trạng 0,97 ha, cần thêm 6,47 ha). Chỉ tiêu diện tích đất trung bình cơ sở y tế công lập trên địa bàn quận: 0,27 m2/người. Khuyến khích việc phát triển các bệnh viện tư nhân.

d) Mạng lưới câu lạc bộ – thể dục thể thao:

Quy mô diện tích đất thể dục thể thao khoảng 62,47 ha gồm công trình thể dục thể thao thuộc cấp thành phố 28 ha và cấp quận 34,47 ha, chỉ tiêu đối với cấp phường, quận khoảng 0,62m2/người thấp so với chỉ tiêu đề ra trong Quyết định số 01/2003/QĐ-UB ngày 03 tháng 1 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở vật chất ngành thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 “bình quân khoảng 1,0 m2/người”. Tính luôn quỹ đất thể dục thể thao dành cho thành phố thì đạt chỉ tiêu 1,1 m2/người.

Khu thể dục thể thao thuộc thành phố: Khu công viên cây xanh du lịch sinh thái – giải trí thể dục thể thao tại khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa quy mô khoảng 100 – 140 ha thuộc thành phố, dự kiến khoảng 40 ha, trong đó đất dành cho thể dục thể thao cấp quận chiếm 30% là 12 ha, đất dành cho thể dục thể thao cấp thành phố chiếm 70% là 28 ha.

Công trình thể dục thể thao cấp quận, phường:

  • Công trình thể dục thể thao hiện hữu quy mô diện tích 6,33 ha: giữ lại cải tạo nâng cấp.
  • Công trình xây mới: 12 công trình, với tổng quy mô diện tích 16,14 ha.

Các công trình thể dục thể thao trong hệ thống trường học:

  • Trường hợp không có điều kiện mở rộng quy mô diện tích, các trường học cần tận dụng diện tích sân, bãi có sẵn để tổ chức các loại hình hoạt động thể dục thể thao phù hợp, tổ chức các buổi ngoại khóa tại các cơ sở vật chất thể dục thể thao gần nhất.
  • Khi đầu tư xây dựng trường mới phải đảm bảo đủ diện tích dành cho công trình thể dục thể thao theo đúng quy định khoảng 2m2 đất thể dục thể thao /chỗ học.

Các công trình thể dục thể thao thuộc các ban ngành: ngoài mục đích sử dụng nội bộ trong ngành, cần mở rộng thu hút nhiều đối tượng khác bên ngoài xã hội tham gia rèn luyện thể dục thể thao.

Công viên cây xanh kết hợp thể dục thể thao: quy hoạch chung quận Bình Thạnh quy mô diện tích xây dựng công viên khoảng 47 ha, tuy nhiên chỉ có thể sử dụng công viên cây xanh kết hợp tập thể dục, không có quỹ đất dành cho thể dục thể thao tập trung.

e) Mạng lưới Văn hoá:

Quy mô diện tích đất xây dựng công trình văn hóa thông tin đến năm 2030 là 16,96 ha, đạt chỉ tiêu 0,39 m2/người, được phân ra như sau:

Diện tích đất công trình văn hóa hiện hữu nâng cấp, mở rộng: 2,19 ha.

  • Cấp quận: 0,33 ha
  • Cấp phường: 1,86 ha

Diện tích đất văn hóa phát triển: 14,77 ha, trong đó:

  • Cấp quận: 7,14 ha
  • Cấp phường: 7,63 ha

Công trình văn hóa thông tin cấp thành phố: xây dựng Trung tâm văn hóa cấp thành phố tại khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa quy mô diện tích 5 ha.

Công trình văn hóa thông tin cấp quận: tổng quy mô diện tích 11,02 ha

Trung tâm văn hóa: Bố trí ở 4 cụm dân cư với tổng diện tích 7,14 ha, cụ thể:

  • Cụm I: Trung tâm văn hóa hiện hữu tại số 122 đường Đinh Tiên Hoàng, phường 1 được cải tạo mở rộng quy mô diện tích từ 0,33 ha lên 0,67 ha, tăng 0,34 ha
  • Cụm II: Trung tâm văn hóa tại công viên phường 12, quy mô diện tích 2 ha
  • Cụm III: Trung tâm văn hóa tại công viên Văn Thánh, quy mô diện tích 2 ha
  • Cụm IV: Trung tâm văn hóa tại phường 28, quy mô diện tích 2,8 ha

Trung tâm thanh thiếu niên hiện hữu: nâng cấp với quy mô diện tích 0,3 ha

Nhà truyền thống: mở rộng nâng cấp cơ sở hiện hữu tại số 6B đường Phan Đăng Lưu, phường 14 quy mô diện tích 0,15 ha.

Thư viện quận: mở rộng nâng cấp cơ sở hiện hữu tại số 140 đường Đinh Tiên Hoàng quy mô diện tích 0,1 ha. Xây dựng mới một thư viện quy mô phục vụ toàn quận, dự kiến bố trí trong khu Trung tâm văn hóa phường 28.

Công trình văn hóa thông tin cấp phường:

  • Công trình hiện hữu: quy mô diện tích 1,86 ha, cải tạo nâng cấp trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch.
  • Công trình xây mới: 8 công trình, với tổng quy mô diện tích 3,7 ha.

Các công trình di tích, tôn giáo – tín ngưỡng: tiếp tục nghiên cứu lập danh mục các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc để có biện pháp bảo vệ, tôn tạo giữ gìn.

f) Công viên cây xanh:

Hệ thống cây xanh tập trung trên địa bàn quận theo điều chỉnh quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 1998 có nhiều thay đổi, do một số khu vực quy hoạch không khả thi, thuộc đất dân cư không giải toả được.

Xây dựng hệ thống cây xanh ven đường nhằm tạo cảnh quan không gian xanh.

Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa bố trí quỹ đất cây xanh công cộng cấp quận, thành phố. Hệ thống kênh rạch trên địa bàn quận tương đối nhiều nên tăng cường cây xanh dọc rạch. Quy mô diện tích cây xanh điều chỉnh quy hoạch chung đề xuất khoảng: 141,06 ha, chiếm 6,81% tổng diện tích toàn quận, đạt chỉ tiêu 2,52 m2/người, cụ thể như sau:

  • Cây xanh công viên: quy mô diện tích khoảng 47 ha.
  • Cây xanh cảnh quan dọc sông Sài Gòn, kinh Thanh Đa và rạch Xuyên Tâm: quy mô diện tích 94,06 ha.

Ngoài ra còn có các mảng cây xanh cách ly dọc theo các tuyến điện cao thế, tuyến đường đường Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài).

2.3. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

  • Duy trì các cụm tiểu thủ công nghiệp sạch, không ô nhiễm xen kẽ trong khu dân cư.
  • Di dời các xí nghiệp sản xuất ô nhiễm ra các khu – cụm công nghiệp tập trung.
  • Chuyển đổi các quỹ đất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ô nhiễm di dời sang mục đích sử dụng làm đất xây dựng các công trình công cộng, cây xanh và đất ở.

2.4. Các cơ quan, trường chuyên nghiệp phục vụ ngoài phạm vi đô thị:

a. Trung tâm hành chánh: mở rộng khu trung tâm hành chánh quận hiện hữu.

Cải tạo, xây dựng mới các trụ sở hành chánh các phường 13, phường 15, phường 17, phường 24, phường 25, phường 26, phường 28.

b. Các trường chuyên nghiệp phục vụ ngoài phạm vi đô thị:

  • Trường Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh hiện hữu trên đường Đinh Tiên Hoàng chuyển thành khu văn hoá, xây dựng mới 01 Trường Cán bộ tại phường 12.
  • Xây dựng mới các trường chuyên nghiệp, hướng nghiệp, dạy nghề tại phường 26 và phường 28.
  • Các cơ quan, trường chuyên nghiệp khác không thay đổi, không phát triển thêm.
  • Thông tin, bản đồ quy hoạch Bình Thạnh TPHCM năm 2021 – 2030

3. Thông tin, bản đồ quy hoạch giao thông quận Bình Thạnh

Tổ chức quy hoạch giao thông bám theo mạng lưới đường hiện hữu kết hợp với việc dự phóng quy hoạch một số đoạn, tuyến đường để đảm bảo kết nối, thông suốt.

Quy hoạch cải tạo, mở rộng lộ giới các trục đường đã được phê duyệt theo Quyết định số 4963/QĐ-UBQLĐT ngày 30 tháng 8 năm 1999 và Quyết định số 6982/QĐ-UBQLĐT ngày 30 tháng 8 năm 1995 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Quy hoạch tuyến đường trên cao:

  • Tuyến đường trên cao số 1: chạy dọc kênh Nhiêu Lộc theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố.
  • Tuyến đường trên cao số 4: chạy theo đường Phan Chu Trinh nối dài, kết nối với tuyến đường trên cao số 1.

Hệ thống giao thông công cộng: chủ yếu sử dụng 2 loại hình chính là: loại hình thứ nhất là xe buýt theo quy hoạch mạng lưới xe buýt của thành phố – được tổ chức trên các tuyến đường chính qua địa bàn quận kết nối các khu kế cận, dự kiến tuyến xe buýt bố trí trên các trục đường đối ngoại và các tuyến đường chính đô thị, đường khu vực; loại hình thứ hai là các tuyến đường sắt đô thị theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố, cụ thể như sau:

  • Tuyến đường sắt đô thị số 1: (đoạn trên cao theo rạch Văn Thánh từ quận 1 về cầu Sài Gòn).
  • Tuyến đường sắt đô thị số 3b (đi ngầm): dọc theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ tuyến và Depot.
  • Tuyến đường sắt đô thị số 5: theo đường Phan Đăng Lưu – đường Bạch Đằng – đường Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn.

Quy hoạch bến bãi: diện tích bến bãi trên địa bàn quận Bình Thạnh là 11,6 ha theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố, trong đó:

Diện tích bến bãi hiện hữu là 8,1 ha, bao gồm:

  • Bến xe buýt tại Bến xe miền Đông hiện hữu: 6,3 ha.
  • Bãi đậu xe buýt sau Bến xe Văn Thánh cũ: 1,8 ha.

Diện tích bến bãi bổ sung là 3,5 ha, bao gồm:

  • Bãi đậu ôtô tại Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa: 2,5 ha.
  • Bãi đậu taxi tại Khu Tân Cảng Sài Gòn: 1,0 ha.

Lưu ý:

  • Các nút giao thông, các tuyến đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị sẽ được xem xét, cập nhật phạm vi chiếm dụng trong quá trình lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hoặc khi có các dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt.
  • Bến xe miền Đông sẽ chuyển một phần sang chức năng khác, sau khi chuyển chức năng liên tỉnh cho Bến xe miền Đông mới tại quận 9, cơ cấu sử dụng đất sẽ được xác định cụ thể khi đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bến xe miền Đông hiện hữu được phê duyệt.
Rate this post