Hiện nay, việc để lại thừa kế là quyền sử dụng đất đang ngày càng khá phổ biến. Theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật đất đai thì một trong các quyền của người sử dụng đất là để lại thừa kế. Vậy khi cá nhân, tổ chức nhận thừa kế quyền sử dụng đất từ người để lại di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Đất Sạch xin cung cấp tới quý khách hàng thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hường thừa kế
Cơ sở pháp lý
– Bộ luật dân sự 2015
– Luật Đất đai 2013
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP
– Nghị định 01/2018/NĐ-CP
– Thông tư 24/2014/TT-BTNMT
Thế nào là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì? Quyền sử dụng đất là gì?
Theo quy định của Luật đất đai
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
– Quyền sử dụng đất đai là quyền khai thác các thuộc tính của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu của cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước chủ quyền.
Thế nào là thừa kế và các hình thức của thừa kế
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015
– Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản
– Quyền thừa kế quyền sử dụng đất là quyền của cá nhân, thành viên hộ gia đình được để thừa kế quyền sử dụng đất của mình cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Thừa kế có hai hình thức
– Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc
+ Theo quy định tại Điều 646 Bộ luật dân sự 2015 Thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người sử dụng đất nhằm chuyển tài sản là quyền sử dụng đất của mình cho người khác sau khi chết.
+ Người lập di chúc có quyền tự định đoạt quyền sử dụng đất bằng việc chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng quyền sử dụng đất của người thừa kế.
– Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật
+ Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
+ Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Các điều kiện để được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được quyền tặng cho.
Trường hợp 2: Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 được quyền tặng cho đất đai khi:
+ Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền tặng cho đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận).
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Những ai có quyền thừa kế quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015
– Người hưởng quyền thừa kế theo di chúc
– Người được hưởng thừa kế theo pháp luật thuộc hàng các hàng thừa kế
Lưu ý: Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc theo quy định tại khoản 1 Điều 644 những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
– Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Các bước thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được hưởng thừa kế
Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế khi nhân thừa kế là quyền sử dụng đất (UBND cấp xã hoặc văn phòng công chứng, phòng công chứng)
Quy định về việc khai nhận di sản thừa kế khi nhận thừa kế là quyền sử dụng đất
– Trường hợp có di chúc (Di chúc hợp pháp)
+ Người nhận nhận thừa kế tới UBND cấp xã hoặc Văn phòng công chứng, phòng công chứng khai nhận di sản thừa kế
+ UBND xã hoặc Văn phòng công chứng. Phòng công chứng xác nhận vào văn bản khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất
– Trường hợp không có di chúc (Đươc chia theo pháp luật)
+ Trong trường hợp nhiều người cùng hưởng thừa kế quyền sử dụng đất đã thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế thì UBND xã hoặc Văn phòng công chứng, Phòng công chứng xác nhận văn bản chia di săn thừa kế
+ Trong trường hợp các đồng thừa kế có phát sịnh tranh chấp về di sản thừa kế (Không thỏa thuận được việc phân chưa di sản thừa kế) thì sẽ Yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Sau khi được giải quyết xong sẽ tiến hành khai nhận di sản thừa kế
Sau đó, sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.
Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất
– Phiếu yêu cầu công chứng
– Di chúc hoặc Bản án (Quyết định) của Tòa án
– Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
– Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết
– Giấy tờ nhân than của người nhận di sản thừa kế
– Văn bản khai nhận di sản thừa kế
Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
Cơ sở để thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
– Có di chúc hợp pháp hoặc Bản án, Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật
– Biên bản mở di chúc có người chứng kiến và xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất;
– Văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế, có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Phòng/Văn phòng công chứng về việc hưởng thừa kế.
– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
– Đất hưởng thừa kế không có tranh chấp
– Đất hưởng thừa kế không bị kê biên để thi hành án, thế chấp
– Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đai
Khi cá nhân, tổ chức được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thì phải thực hiện thủ tục gì?
– Theo quy định tại khoản a Điều 4 Luật đất đai thì trường hợp cá nhân, tổ chức hưởng thừa kế quyền sử dụng đất thì phải thực hiện đăng ký biến động đất đai.
“4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
- a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất”
Khi hưởng thừa kế quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thi có bị xử phạt gì không?
– Theo quy định tại Khoản 2, khoản 3, Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính đối với với hành vi không đăng ký biến động về đất đai như sau
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
+ Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định
Khi đăng ký biến động đất đai hưởng thừa kế có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới không?
– Theo quy định tại Điều 99 Luật đất đai 2013 trong trường hợp cá nhận, tổ chức hưởng thừa kế quyền sử dụng đất thì được quyền thực hiện thủ tục cấp guất chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất khi hưởng thừa kế
Theo quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế như sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai
– Di chúc hoặc Bản án, Quyết định của Tòa án
– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có xác nhận của UBND xã hoặc của Văn phòng công chứng, Phòng công chứng
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
– Hợp đồng ủy quyền trong trường hợp có ủy quyền
Thẩm quyền thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
– Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đối với những nơi đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
– Phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND cấp huyện trong trường hợp chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai
Thời gian thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn thực hiện thủ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế như sau:
– Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;
– Thời gian 10 ngày không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
– Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.
– Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Kết quả thực hiện thủ tục
– Việc thừa kế phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
– Cơ quan đăng ký đất đai sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Trách nhiệm của cơ quan đăng ký đất đai khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
– Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
– Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp;
– Trường hợp phải cấp giấy chứng nhận thì lập hồ sơ trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
– Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Các nghĩa vụ tài chính phải thực hiện khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
– Thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ:
+ Mức thuế phải nộp: 10% giá trị bất động sản được nhận thừa kế.
+ Mức lệ phí phải nộp: 0.5% giá trị bất động sản được nhận thừa kế.
+ Lệ phí địa chính: Căn cứ vào từng quyết định của địa phương
+ Lệ phí thẩm định: Căn cứ pháp lý tùy thuộc vào từng địa phương
Những trường hợp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ
Theo khoản 10 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ và theo điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC về hướng dẫn luật Thuế thu nhập cá nhân thì những trường hợp sau khi nhận thừa kế là nhà, đất thì không phải nộp thuế, lệ phí trước bạ, cụ thể:
Thừa kế nhà, đất giữa:
+ Vợ với chồng;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;
+ Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;
+ Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;
+ Cha vợ, mẹ vợ với con rể;
+ Ông nội, bà nội với cháu nội;
+ Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;
+ Anh, chị, em ruột với nhau.
– Lệ phí địa chính: Mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Các trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
– Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ;
– Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định;
– Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật;
– Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo;
– Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;
– Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Một số câu hỏi của khách hàng liên quan đến thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
Khách hàng hỏi: Mẹ tôi có một mảnh đất gắn liền với ngôi nhà có diện tích 550m2. Mẹ tôi có 3 người con. Mẹ tôi mất để lại di chúc cho tôi và em trai thứ hai của tôi được thừa kế diện tích đất trên. Di chúc mẹ tôi để lại là di chúc miệng nhưng tôi có di âm lại và có người làm chứng chứng kiến. Quyền sử dụng đất đối với mảnh đất này đứng tên mẹ tôi. Người em thứ ba của tôi cho rằng đây là di chúc không hợp pháp, và không có hiệu lực nên yêu cầu được chia theo pháp luật. Tôi và em trai thứ hai của tôi không đồng ý nên người em thứ ba của tôi đã làm đơn khởi kiện ra tòa để yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất nói trên. Vậy tôi muốn hỏi, trường hợp mẹ tôi để lại di chúc miệng và được tôi ghi âm lại thì di chúc đó có hợp pháp hay không?
Đất Sạch xin tư vấn tới bạn như sau:
– Trước hết theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
– Thứ hai, Các hình thức của di chúc theo quy định tại Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”
– Thức ba Di chúc miệng được lập trong Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
– Thứ tư về điều kiện có hiệu lực của di chúc
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Về hiệu lực của di chúc theo quy định tại khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 “ di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”
Như vậy, Trường hợp mà mẹ bạn mất để lại di chúc miệng và được bạn ghi âm lại, có người làm chứng chứng kiến xác nhận thì di chúc được pháp luật công nhận và là hợp pháp.
Khách hàng hỏi: Bà tôi có một mảnh đất mua từ người khác từ năm 1990 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất vào năm 2003, bà tôi mất vào năm 2016. Bà tôi có 6 người con, Ba tôi ở Việt Nam, còn lại các cô, chú đang ở nước ngoài và có 2 người đã mất. Tôi muốn hỏi bây giờ ba tôi phải thực hiện các thủ tục gì để có thể nhận phần di sản thừa kế, tiến hành kê khai di sản thừa kế trước hay hợp thức hóa xin cấp giấy CNQSD đất trước được không?
Đất Sạch trả lời: Theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015 đối với trường hợp bà bạn mất mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế mà bà bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật. Việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự.
Mặt khác cũng theo quy định của Luật đất đai 2013 thì trường hợp của bố bạn được hưởng di sản thừa kế là quyền sử dụng đất từ bà của bạn thì bố bạn phải thực hiện thủ tục kê khai nhận di sản thừa kế trước khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi làm xong việc kê khai nhận di sản thừa kế thì bố bạn có thể làm hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc phòng tài nguyên và môi trường
Khách hàng hỏi: Bố tôi khi mất có để lại cho tôi sử dụng thửa đất ở diện tích 300m2 chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuộc một phường thuộc quận Hà Đông, TP. Hà Nội mà không có di chúc. Để nhận thừa kế với thửa đất chưa có giấy chứng nhận này, hồ sơ cần những loại giấy tờ gì? Và sau khi nhận thừa kế thửa đất trên thì tôi có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Đất Sạch trả lời: Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 khi bố bạn mất mà không để lại di chúc thì tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luât. Nếu tất cả những người trong gia đình (những người có quyền thừa kế theo pháp luật) đã thống nhất để lại cho bạn 300m2 đất của bố bạn thì gia đình bạn phải lập biên bản thỏa thuận và tiến hành thủ tục khai nhận di sản. Việc khai nhận di sản thừa kế này bạn có thể công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức công chứng bất kỳ trên địa bàn nơi có bất động sản.
Theo quy định, việc khai nhận di sản được thực hiện khi bạn nộp đủ các loại giấy tờ liên quan như: Biên bản thỏa thuận của gia đình; giấy tờ chứng minh nguồn gốc mảnh đất (khi chưa có sổ đỏ); giấy tờ tùy thân của các thành viên có quyền thừa kế; giấy đăng ký kết hôn…
Như vậy, sau khi có văn bản khai nhận di sản thừa kế bạn mới tiến hành làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 300m2 trên.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà bạn được hưởng thừa kế thì bạn phải chứng mình nguồn gốc đất và không phát sinh tranh chấp, sử dụng ổn định lâu dài có xác nhận UBND cấp phường và hoàn thành các nghĩa vụ về đất đai đầy đủ
Và theo đúng quy định, sau khi nhận thừa kế và làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn được miễn tiền phí trước bạ.
Công việc của chúng tôi
– Tư vấn các thủ tục, vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi hưởng thừa kế
– Soạn thảo hồ sơ đầy đủ, hoàn chỉnh
– Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
– Làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Nhận kết quả và bàn giao bản gốc cho quý khách
LIÊN HỆ SỔ ĐỎ, SỔ HỒNG, GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, ĐO ĐẠC, GỌP THỬA, TÁCH THỬA NHANH TẠI TP.HCM
Hotline: 0363.232.739 Email: datsach.com.vn@gmail.com