Tranh chấp liên quan đến thừa kế là tranh chấp cơ bản và phổ biến hiện nay. Theo thống kê của Toà án thì tranh chấp về tài sản đặc biệt là tranh chấp thừa kế đang có xu hướng gia tăng, từ những tranh chấp mâu thuẫn nhỏ không giải quyết được dẫn đến những mâu thuẫn trầm trọng, có những tranh chấp đã gây ra hậu quả khôn lường, không những gây thiệt hại đến tài sản mà còn tước đoạt cả tính mạng. Khi xảy ra tranh chấp về thừa kế có nhiều phương hướng giải quyết nhưng vừa giải quyết đảm bảo quyền lợi của các hàng thừa kế vừa có thể hài hoà trong các mối quan hệ không phải là vấn đề dễ dàng. Vậy quy trình giải quyết trong tranh chấp thừa kế được quy định như thế nào, bài viết dưới đây Luật Vì Chân Lý xin giải đáp về vấn đề đó.
- Tranh chấp thừa kế:
Quan hệ thừa kế là sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ người đã mất sang người thừa kế. Tranh chấp thừa kế được hiểu là việc xảy ra bất đồng, mâu thuẫn về lợi ích giữa những người thuộc hàng thừa kế. Hiện không có quy định pháp luật định nghĩa về tranh chấp thừa kế. Trên thực tế, những tranh chấp thừa kế thường có nội dung:
+ Tranh chấp về di sản thừa kế;
+ Tranh chấp về hàng thừa kế;
+ Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế;
+ Tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản;
+ Tranh chấp về cách hiểu về nội dung của di chúc.
- Giải quyết tranh chấp thừa kế:
Tranh chấp thừa kế là một loại tranh chấp đặc biệt vì các bên trong tranh chấp thường có mối quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân…. Việc giải quyết tranh chấp thừa kế vừa đảm bảo quyền lợi của các bên mà giữ mối quan hệ hài hoà không phải điều dễ dàng. Để giải quyết tranh chấp trong thừa kế, những người thừa kế có thể lựa chọn các phương thức sau:
Thứ nhất: Thoả thuận, thương lượng:
Trước hết để giải quyết tranh chấp thừa kế, các hàng thừa kế, người có quyền và nghĩa vụ liên quan thống nhất tiếng nói chung trong việc phân chia di sản thừa kế hợp tình hợp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Việc làm này giúp hoà hợp giữa các mối quan hệ trong gia đình, tiết kiệm chi phí cho các bên nhưng không có sự ràng buộc trong việc thực hiện. Trên tế hiện nay, việc tìm kiếm tiếng nói chung trong giải quyết tranh chấp thừa kế ngày càng trở nên khó thực hiện do không ít người luôn coi trọng giá trị vật chất mà quên đi giá trị tinh thần khi phân chia di sản thừa kế hay vì muốn giành lợi ích cho mình mà cố tình xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của đồng thừa kế khác, không trung thực khi kê khai di sản thừa kế, dùng nhiều thủ đoạn thậm chí là xâm hại đến tính mạng của người khác nhằm muốn chiếm đoạt di sản thừa kế chung thành tài sản riêng của mình.
Thứ hai: Giải quyết tranh chấp thừa kế tại Toà án:
– Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế:
Căn cứ theo quy định tại Mục 2 thẩm quyền của Toà án nhân dân các cấp Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế như sau:
+ Đối với tranh chấp thừa kế có liên quan đến bất động sản thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Toà án nhân dân cấp Huyện nơi có bất động sản
+ Đối với tranh chấp thừa kế không là bất động sản thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Toà án nhân dân cấp Huyện nơi bị đơn cư trú trừ trường hợp thừa kế có yếu tố Nước ngoài.
– Hồ sơ khởi kiện tranh chấp thừa kế:
+ Đơn khởi kiện chia di sản thừa kế;
+ Chứng minh thư công dân, căn cước công dân bản sao hợp lệ
+ Bản sao sổ hộ khẩu
+ Giấy đăng kí kết hôn bản sao hợp lệ hoặc bản trích lục
+ Các giấy tờ chứng minh kèm theo đơn khởi kiện
+ Bản sao hợp lệ di chúc
Lưu ý đối với người làm đơn khởi kiện:
Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện.(người làm hộ kí tên hoặc điểm chỉ)
Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm đơn khởi kiện.( người làm hộ kí tên hoặc điểm chỉ)
Đối với người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự khách quan làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
– Trình tự giải quyết tranh chấp thừa kế:
Căn cứ theo quy định về thủ tục giải quyết vụ, việc theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. trình tự giải quyết tranh chấp thừa kế diễn ra như sau:
Bước 1: Nguyên đơn nộp đơn kèm hồ sơ khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền giải quyết, đơn có thể nộp trực tiếp tại Toà án hoặc thông qua đường bưu điện.
Bước 2: Trong thời hạn 5-7 ngày Toà án yêu cầu nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí để thụ lý giải quyết hoặc ra quyết định yêu cầu bổ xung tài liệu chứng cứ để giải quyết.
Bước 3: Toà án tiến hành giải quyết vụ việc của các bên theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 trong đó có: tiến hành hoà giải, yêu cầu các bên công bố công khai chứng cứ…
– Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế:
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015:
+ Quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, động sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế;
+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
+ Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay vẫn đang phát sinh những tranh chấp về phân chia di sản thừa kế của người chết từ trước ngày 1/1/2017 (Trước khi BLDS 2015 có hiệu lực). Trường hợp này, thời hiệu được xác định theo hướng dẫn tại Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 5/1/2018 cụ thể như sau:
+ Trường hợp tranh chấp về di sản của người đã chết trước ngày 1/1/2017, thời hiệu yêu cầu giải quyết cũng được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 là 30 năm tính từ thời điểm mở thừa kế.
+ Trường hợp người để lại tài sản đã chết hoặc được Tòa án tuyên bố chết trước ngày 10/9/1990 thì thời điểm bắt đầu thời hiệu 30 năm này được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Trường hợp tranh chấp về phân chia di sản là nhà ở của người chết hoặc được Tòa án tuyên bố chết trước ngày 1/7/1991 thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 1/1/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện. Trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 1/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện.