Anh B đến công ty chúng tôi với mong muốn được giải đáp những thắc mắc về thủ tục ly hôn của anh. Thông qua quá trình trao đổi, tiếp nhận thông tin nội dung vụ việc của anh được tóm tắt như sau:
Hai vợ chồng anh B kết hôn năm 2016 và đã có một con chung. Vợ anh quê ở miền Trung và muốn anh về sống cùng mình. Trong khi đó anh B lại muốn ở lại Hà Nội làm ăn sinh sống. Hai bên không đồng thuận được với nhau nên vợ anh đã ôm con bỏ về quê. Ban đầu, hai bên còn liên lạc, sau thưa dần và giờ đã cắt đứt liên lạc. Thời gian đầu chị đòi ly hôn nhưng anh B thương con còn quá nhỏ nên không thuận tình.
Một thời gian sau, B có về quê thăm vợ và con nhưng bị chị và bố mẹ vợ không cho vào nhà, không cho gặp con. Bị gia đình vợ đối xử lạnh nhạt, anh ra Hà Nội và gọi điện hỏi vợ mình lý do nhưng chị không trả lời. Sau nhiều lần mâu thuẫn, anh B quyết định ly hôn theo mong muốn ngày trước của vợ mình, tuy nhiên lần này chị lại không đồng ý và cắt đứt mọi liên lạc với anh. Giờ anh B muốn ly hôn nhưng không biết phải làm như thế nào.
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin mà anh cung cấp thì đời sống hai vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, mục đích hôn nhân của anh chị không đạt được (Khoản 1- Điều 56- Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Thêm vào đó, anh chị đã sống không gần nhau và không liên lạc trong một khoảng thời gian dài có thể coi đó là thời gian ly thân. Vì vậy, căn cứ Điều 51- Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn: “. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.” anh B có thể đơn phương xin ly hôn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết cho ly hôn.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nơi cư trú của cá nhân là nơi cá nhân thường xuyên sinh sống hoặc đang sinh sống. Như vậy, anh B cần gửi đơn yêu cầu giải quyết ly hôn tại Tòa án huyện nơi vợ anh đang cư trú, sinh sống, làm việc.
Về việc anh lo lắng không liên lạc được với chị hay chị sẽ không tham gia phiên tòa để hai vợ chồng có thể giải quyết với nhau, điều 228- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì:
“Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
- Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
- Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.
…”
Khoản 2- Điều 227- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cũng quy định thêm trong lần triệu tập hợp lệ lần thứ hai của Tòa án, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nếu như vắng mặt (trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng/ trở ngại khách quan) thì Tòa án sẽ xử lý như sau:
“…Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ
Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật…”
Như vậy, vợ anh B không có mặt tại phiên triệu tập hợp lệ lần thứ nhất của Tòa (không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt) thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Nếu lần triệu tập thứ hai mà chị A cũng không có mặt (không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, cũng không do sự kiện bất khả kháng/ trở ngại khách quan) thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử theo quy định pháp luật.
Sau khi nhận được sự tư vấn tận tình từ phía văn phòng, anh B đã tháo gỡ được những thắc mắc và băn khoăn của mình; cùng với đó, anh có mong muốn bên luật sư sẽ tham gia hỗ trợ anh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giúp đỡ anh các thủ tục cần thiết cho đến thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc cho anh…