Câu hỏi 1. Bố mẹ tôi mang sổ đỏ đi bảo lãnh để người bạn của bố mẹ tôi thế chấp vay tiền ngân hàng. Trước đó đã có sự thỏa thuận rằng người đó sẽ thanh toán tiền đúng hạn cả lãi và gốc cho ngân hàng. Nhưng giờ đến hạn trả tiền mà người bạn đó không trả, phía bên ngân hàng siết nhà gia đình tôi, giờ có cách nào để giải quyết không?
Câu hỏi 1.
Bố mẹ tôi mang sổ đỏ đi bảo lãnh để người bạn của bố mẹ tôi thế chấp vay tiền ngân hàng. Trước đó đã có sự thỏa thuận rằng người đó sẽ thanh toán tiền đúng hạn cả lãi và gốc cho ngân hàng. Nhưng giờ đến hạn trả tiền mà người bạn đó không trả, phía bên ngân hàng siết nhà gia đình tôi, giờ có cách nào để giải quyết không?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về nghĩa vụ của bên bảo lãnh.
Hành vi Bố mẹ bạn mang sổ đỏ đi thế chấp của gia đình bạn để cho người bạn của bố mẹ bạn đi vay ngân hàng được xác định là người bảo lãnh cho người bạn đó trước khoản vay của ngân hàng. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 335 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về bảo lãnh, bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Về trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh theo Điều 342 Bộ Luật dân sự 2015 và Điều 41 Nghị đinh số 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2006 quy định về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 163/2006/NĐ-CP, quy định về căn cứ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh: “Khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh”. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó:“Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó”. Do vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì người bạn của bố mẹ bạn không thực hiện đúng nghĩa vụ là trả tiền vay ngân hàng khi đến hạn thanh toán cho nên bố mẹ bạn với tư cách là bên bảo lãnh cho người bạn đó vay phải thực hiện nghĩa vụ là thanh toán khoản vay đó cho ngân hàng.
Căn cứ theo Điều 47 Nghị đinh số 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2006 quy định về giao dịch bảo đảm và Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 163/2006/NĐ-CP, quy định về xử lý tài sản của bên bảo lãnh, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh xử lý theo yêu cầu của bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu bên bảo lãnh không giao tài sản thì bên nhận bảo lãnh có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bố mẹ bạn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng, bố mẹ bạn phải thực hiện thanh toán khoản vay cho ngân hàng khi đến hạn mà người bạn của bố mẹ bạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nếu gia đình bạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản vay thì theo quy định của pháp luật, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản bảo đảm (ở đây là tài sản thế chấp) nên trong các trường hợp xử lý tài sản bản đảm theo Điều 299 Bộ Luật dân sự 2015, sẽ xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Vậy ngân hàng có thể xử lý tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn.
Thứ hai, phương hướng giải quyết.
Dựa trên thông tin bạn cung cấp và những phân tích đánh giá, chúng tôi đề xuất hai hướng giải quyết như sau cho bố mẹ bạn:
Cách giải quyết 1.
Gia đình bạn đến gặp người bạn đó, yêu cầu người đó lấy một tài sản khác để giao cho ngân hàng thay cho tài sản đang thế chấp là sổ đỏ của gia đình bạn để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn về.
Đối với trường hợp thay đổi tài sản bảo đảm được thực hiện dựa trên sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ bảo đảm, phía gia đình bạn có thể liên hệ với ngân hàng để xác định việc thay đổi tài sản bảo đảm ở trường hợp này là cần thiết. Sau đó gia đình bạn liên hệ với phía gia đình người bạn kia của bố mẹ bạn để yêu cầu người đó lấy tài sản khác thuộc gia đình họ để thay đổi tài sản bảo đảm
Cách giải quyết 2.
Gia đình bạn lấy tiền của gia đình để thanh toán khoản vay của ngân hàng giữa người bạn đó và ngân hàng để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về, sau đó gia đình bạn có quyền khởi kiện người bạn kia để yêu cầu người đó hoàn trả khoản tiền mà gia đình bạn đã trả cho ngân hàng.
Căn cứ theo Điều 340 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu của bên bảo lãnh, bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện: “Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Bên cạnh đó căn cứ theo Điều 45 Nghị đinh số 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2006 quy định về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định 163/2006/NĐ-CP, bên bảo lãnh thông báo cho bên được bảo lãnh về việc đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; nếu không thông báo mà bên được bảo lãnh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh không có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả những gì đã nhận từ bên bảo lãnh.
Vậy để bảo vệ mảnh đất của gia đình của bạn, gia đình bạn lấy tiền của gia đình bạn để thanh toán khoản nợ của người bạn của bố mẹ bạn với ngân hàng để hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của người bạn đó. Sau đó phía ngân hàng sẽ trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn. Sau đó phía gia đình bạn có quyền khởi kiện yêu cầu người bạn của bố mẹ bạn hoàn trả khoản tiền mà gia đình bạn đã thanh toán với ngân hàng cho bạn.