Việc ký giáp ranh của hộ gia đình, cá nhân giáp ranh với thửa đất của người sử dụng đất thể hiện trong bản mô tả ranh giới đất khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm mục đích chứng minh đất là đất không có tranh chấp giữa người xin cấp Giấy chứng nhận và những chủ sử dụng đất liền kề.
Theo quy định, Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính, thì việc xác định ranh giới thửa đất, việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải có cán bộ đến đo đạc và phải có văn bản ký giáp ranh giữa các hộ gia đình xung quanh về việc không lấn chiếm đất, sử dùng đúng ranh giới đất đai. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai và theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, việc ký giáp ranh của hộ gia đình, cá nhân giáp ranh không phải là trường hợp bắt buộc, cụ thể những trường hợp sau không phải bắt buộc ký giấy giáp ranh:
– Trường hợp 1. Trường hợp người sử dụng đất có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai. Khi người xin cấp Giấy chứng nhận có các giấy tờ sau đây thì không cần phải xin ký xác nhận là giáp ranh và đất có tranh chấp hay không có tranh chấp:
+ Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
…..
+ Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính Phủ.
Do vậy, trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định và có các giấy tờ nêu trên thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì không cần phải nộp thêm giấy tờ nào. Do vậy việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu có thể không cần ký giáp ranh.
– Trường hợp 2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân liền kề không ký giáp ranh.
Căn cứ theo Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính và Khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại và người dẫn đo đạc xác nhận. Khi đó, đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã để người sử dụng đất liền kề đến ký xác nhận.
Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất liền kề không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập. Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản mô tả ranh giới, mốc ranh giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác nhận theo bản mô tả.
Do vậy, trường hợp nếu hộ gia đình, cá nhân xung quanh vắng mặt, không ký giáp ranh thì có thể chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân xã để xác nhận vắng mặt và trong thời hạn như trên, nếu hộ gia đình, cá nhân xung quanh không có văn bản xác nhận đất đang có tranh chấp gửi cho Ủy ban nhân dân xã thì thửa đất được xác định là không có tranh chấp và có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, việc ký giáp ranh có thể không phải là quy trình bắt buộc trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.