Anh G. đến Công ty với mong muốn được tư vấn về phân chia di sản thừa kế. Vụ việc của anh G. được tóm tắt như sau:
Theo thông tin mà anh G. cung cấp, bố anh kết hôn với người vợ đầu tiên và có 3 con sau đó đã li dị, tài sản chia khi li hôn giữa hai người có giá trị không đáng kể . Sau đó bố anh kết hôn với mẹ anh sinh được anh và chị gái. Năm 2007 bố anh đã li hôn với mẹ anh, phần tài sản bố anh đuợc chia khi li hôn với mẹ anh gồm một mảnh đất 150m2 và 1 số vàng bạc, tiền mặt, đồ dùng khác. Ngoài ra bố anh còn có một người con ngoài giá thú. Tháng 2 năm 2008 bố anh mất ko để lại di chúc. Mọi người trong gia đình đã tự xác định những người được hưởng số tài sản thừa kế gồm có 7 người sau: Bà nội anh, 03 người con vợ đầu tiên, chị em anh G. và 01 người con ngoài giá thú. Tổng số vàng bạc ( được qui ra tiền mặt) và số tiền mặt bố để lại được chia đều cho 7 người được thừa kế. Riêng mảnh đất và ngôi nhà xây dựng trên đó của bố anh hiện vẫn chưa chia. Hai chị em anh đang giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất.
Chị cả con của người vợ thứ nhất vừa rồi đã gửi đơn lên toà án đòi chia mảnh đất và ngôi nhà đó và tự định giá là 270 triệu đồng. Nhưng anh lại được biết theo giá mà Uỷ ban nhân dân phường nơi mảnh đất này thuộc quyền quản lí thì mảnh đất này giá trị là 700 triệu.
Hiện giờ, anh G. đang băn khoăn không biết việc xác định những người được thừa kế như trên có đúng hay không và chị cả con của người vợ thứ nhất của bố anh đưa đơn yêu cầu toà án chia mảnh đất và ngôi nhà xây dựng trên đó với mức mà chị tự định giá liệu có đúng với quy định của pháp luật?
Luật sư tư vấn:
Trường hợp trên, bố bạn chết không để lại di chúc nên tài sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Theo khoản 1 điều 651 BLDS 2015:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Tại thời điểm chết, bố anh không còn quan hệ hôn nhân, do đó việc xác định những người thừa kế di sản của bố anh theo hàng thừa kế thứ nhất gồm 07 người nêu trên là chính xác.
Quy định về thời hiệu thừa kế tại điều 623 BLDS 2015, thời hiệu đối với yêu cầu chia di sản với bất động sản là 30 năm, việc chị gái con vợ đầu của bố anh khởi kiện đòi chia mảnh đất là đúng quy định pháp luật. Trong đơn khởi kiện có yêu cầu kê khai và định giá phần di sản cần chia nên chị anh tự định giá mảnh đất 270tr không trái pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc, tòa án sẽ tiến hành thẩm định lại giá trị tài sản đó để đảm bảo quyền lợi cho tất cả người thừa kế.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, anh cùng mọi người có thể tổ chức một buổi thương lượng giữa những người thừa kế di sản, thỏa thuận để tự phân chia dựa trên thực tế (giao cho ai đứng tên QSDĐ, những người còn lại được quy thành tiền,…). Nếu thỏa thuận thành công, lập thành biên bản và đem đến UBND xã chứng thực. Cách này sẽ giúp gia đình không mất thời gian, chi phí làm việc với tòa và ko ảnh hưởng tình cảm anh em.
Sau khi nhận được tư vấn từ phía các chuyên viên, anh G. hài lòng và an tâm. Anh có mong muốn sẽ được luật sư tiếp tục hỗ trợ tư vấn trong thời gian tới cho đến khi vấn đề của anh được giải quyết xong.