Quy định về điều kiện để mua nhà ở xã hội
- Những điều kiện cần để mua nhà ở xã hội.
Tại điều 51 của Luật nhà ở xã hội quy định rõ về 3 điều kiện để mua nhà ở xã hội:
Thứ nhất, có khó khăn về nhà ở
– Đối tượng chưa có nhà ở, đang phải đi thuê nhà, mượn nhà hay ở nhờ nhà của người khác hoặc có nhà ở nhưng bị nhà nước thu hồi phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền hoặc trường hợp giải tỏa để cải tạo chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hoặc không được bối thường bằng nhà ở, đất ở khác.
– Đối tượng chưa được nhà nước giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Đối tượng chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án khác.
– Đối tượng chưa được tặng nhà tình thương, tình nghĩa.
– Đối tượng có nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội, diện tích bình quân của hộ gia đình dưới 10m2/sàn/người. Hay nhà ở riêng lẻ diện tích bình quân dưới 10m2/sàn/người và diện tích khuôn viên đất thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở.
Thứ hai, điều kiện về cư trú :
Một trong những điều kiện về cư trú cần thiết là người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có HKTT tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Nếu không có hộ khẩu thường trú thì người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có đăng ký tạm trú, có hợp đồng lao động thời hạn từ 1 năm về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trong trường hợp hộ gia định hoặc cá nhân thuộc diện tái định cư phải đảm bảo điều kiện về cư trú do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Thứ ba, điều kiện về thu nhập thấp :
Theo quy định, người thu nhập thấp phải là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Thủ tục mua nhà ở xã hội.
Tại điều 22 nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần phải chuẩn bị đầy đủ các thủ tục – hồ sơ mua nhà ở xã hội cho chủ đầu tư để họ xét duyệt. Sau đó, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên về sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm tránh tình trạng người được mua, thuê, hay thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần.
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội ( theo mẫu).
– Chứng minh thư nhân dân ( 3 bản chứng thực).
– Đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ( 3 bản chứng thực).
– Ảnh các thành viên trong gia đình( ảnh 3×4, mỗi thành viên 3 ảnh).
– Các giấy tờ ưu tiên khác.
Các đối tượng cần phải có giấy xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở. Việc xin xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở cần được thực hiện như sau:
– Đối tượng thuộc người có công với cách mạng phải có giấy tờ minh chứng về đối tượng theo quy định của pháp luật, xác nhận về thực trạng nhà ở hiện nay và chưa nhận được sự hỗ trợ nhà ở của nhà nước do UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cấp.
– Các đối tượng thuộc diện 4,5,6,7 của điều 49 luật nhà ở cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc về đối tượng cũng như thực trạng nhà ở hiện tại.
– Đối tượng thuộc diện 8 điều 49 luật nhà ở phải có giấy xác nhận đã trả lại nhà ở công vụ do cơ quan quản lý công vụ cấp.
– Đối tượng thuộc diện 9 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có xác nhận của cơ sở đào tạo nơi đối tượng đang học tập;
– Đối tượng thuộc diện 10 Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
Hồ sơ minh chứng về điều kiện cư trú : Những đối tượng đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội cần phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó.
Những đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội cần phải có bản sao chứng thực về giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng lao động có thời hạn một năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn và giấy xác nhận về việc có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Riêng trường hợp các đối tượng làm việc cho chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội mà đóng bảo hiểm tại địa phương nơi đặt trụ sở chính thì bắt buộc cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị đặt trụ sở chính về việc đóng bảo hiểm.
Hồ sơ chứng minh về thu nhập : Trước hết các với các đối tượng thuộc khoản 4 của điều 49 luật nhà ở cần kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Các đối tượng quy định tại khoản 5,6,7 của điều 49 của Luật nhà ở cần phải xác nhận của cơ quan, đơn vị đang làm việc về mức thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập.
Ngoài ra, nhà ở xã hội phải được bán, cho thuê cho thuê mua theo đúng đối tượng và điều kiện quy định tại Luật nhà ở. Người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê; người mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng không được phép thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký vơi bên bán, bên cho thuê mua.