Thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất. Để thực hiện được cần đáp ứng một số điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất như sau:
Thứ nhất, Loại đất được thế chấp
Theo khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuộc một trong những loại đất sau được quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng:
– Đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức;
– Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất;
– Đất được cho thuê trả tiền đất một lần cho cả thời gian thuê;
– Đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất;
– Đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế.
Thứ hai, Thời điểm được thế chấp
Thời điểm người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất là sau khi:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất;
– Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện thế chấp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
– Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Người sử dụng đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện thế chấp quyền sử dụng đất.
Như vậy, để thế chấp quyền sử dụng đất cần đáp ứng điều kiện về loại đất và thời điểm được thế chấp quyền sử dụng đất.
Thứ ba, Thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất
Điều 188 Luật Đất Đai 2013, khi thế chấp quyền sử dụng đất cần thực hiện các thủ tục sau:
– Kiểm tra Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp pháp khác để xác định tính xác thực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính liên quan đến quyền sử dụng đất;
– Xác định đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;
– Kiểm tra thực địa, khảo sát, đo đạc và tiến hành định giá tài sản;
– Nhận bản gốc Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp pháp khác theo quy định;
– Lập và ký Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bên thế chấp (người có quyền sử dụng đất), thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp tại tổ chức hành nghề công chứng.
– Đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Lưu ý: Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 318 Bộ luật Dân sự 2015)