Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Tài sản thế chấp sẽ do bên thế chấp giữ. Vậy, nhà thế chấp có được cho thuê hay không?
1. Quy định hợp đồng thuê tài sản
Theo quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Theo đó, hợp đồng thuê nhà phải lập thành văn bản và có thể có công chứng, chứng thực tùy vào nhu cầu và thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng.
2. Quyền của bên thế chấp tài sản.
Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên thế chấp như sau:
- Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
- Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấpnhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản đó cho bên kia.
Như vậy, khi thế chấp thì căn nhà vẫn được bên thế chấp quản lý, sử dụng hoặc có thể giao cho người thứ ba giữ nên các bên có thỏa thuận.
Trường hợp 1: Thế chấp sau khi ký hợp đồng cho thuê nhà.
Căn cứ theo Điều 146 Luật nhà ở 2014, tài sản đang cho thuê thì chủ sở hữu vẫn có quyền thế chấp căn nhà đó và phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà biết trước về việc thế chấp. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở.
Trường hợp 2: Thế chấp trước khi ký hợp đồng cho thuê nhà.
Nếu tài sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng thì bên thế chấp có thể cho người thứ 3 thuê nhà theo quy định tại khoản 6 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 khi:
+ Thông báo cho bên thuê về tình trạng căn nhà đang được thế chấp
+ Thông báo cho bên nhận thế chấp biết về việc bên thế chấp cho thuê căn nhà đang thế chấp
Bên cạnh đó, bên nhận thế chấp cũng có các quyền và nghĩa vụ sau:
+ Không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc bên thế chấp cho người khác thuê
+ Khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc bên thuê phải giao căn nhà đó để xử lý
Quy định này được thể hiện cụ thể tại Điều 322, Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015.
Kết luận, chủ sở hữu được quyền cho thuê căn nhà đang thế chấp tại ngân hàng, nhưng phải thông báo cho bên thuê biết về việc căn nhà này đang được dùng để thế chấp và thông báo cho ngân hàng biết về việc cho thuê căn nhà này.