Để giải quyết các tranh chấp thương mại trong hoạt động kinh doanh nói chung và trong thương mại quốc tế nói riêng, cần phải làm rõ các vấn đề sau đây:
- Xác định nguồn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế
Quy định rõ ràng trong hợp đồng về điều khoản luật áp dụng. Nếu hợp đồng đã ký kết thì ký thêm biên bản bổ sung, thống nhất về nguồn luật áp dụng. Nguồn luật áp dụng, phải là nguồn luật mà DN quen thuộc nhất, phù hợp nhất và nghiên cứu kỹ.
DN cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại, xác định rõ nghĩa vụ của các bên. Đặc biệt là nghiên cứu về chế tài khi vi phạm hợp đồng thương mại; cần phải xem xét tổng thể về nội dung, điều kiện áp dụng và các nghĩa vụ có liên quan đến các chế tài đó.
Tiến hành so sánh, đối chiếu các quy định giữa các nguồn luật để tìm ra những điểm tích cực, hạn chế. Trong trường hợp cụ thể sẽ áp dụng nguồn luật nào là có lợi cho DN.
- Khi có hành vi vi phạm xảy ra cần xác định đúng tính chất của hành vi đó
Ứng với mỗi hành vi vi phạm trong hợp đồng thương mại sẽ có những chế tài áp dụng tùy theo tính chất của hành vi vi phạm là cơ bản hay không cơ bản. “Vi phạm cơ bản là vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng” (Điều 3, Khoản 13, Luật Thương mại Việt Nam năm 2005). Một trong các chế tài mà các bên có thể áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm cơ bản là hủy hợp đồng.
Trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, việc xác định tính chất của hành vi vi phạm sẽ giúp các chủ thể áp dụng được đúng và đủ các chế tài cần thiết để đảm bảo quyền lợi của mình trong cả trường hợp bị vi phạm hay vi phạm hợp đồng thương mại.
* Các chủ thể cần phải:
Nghiên cứu kỹ càng điều khoản có liên quan trong hợp đồng như điều khoản về hàng hóa, điều khoản về số lượng, phẩm chất hàng hóa,…
Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của bên bán và bên mua theo quy định của hợp đồng và pháp luật. Đối chiếu, so sánh giữa hành vi vi phạm với các quy định trên để xác định hành vi vi phạm là cơ bản hay không cơ bản, hành vi có nằm trong phạm vi được miễn trách hay không,…
Quý khách cũng nên sử dụng các biện pháp chứng minh hành vi vi phạm có giá trị pháp lý (như giám định của cơ quan có thẩm quyền,…) để có căn cứ pháp lý vững chắc. Đồng thời, việc thu thập các chứng cứ, giấy tờ có liên quan để có cơ sở chứng minh được hành vi vi phạm và các thiệt hại có liên quan là điều rất cần thiết. Đặc biệt, Quý khách tuyệt đối không được dựa vào “kinh nghiệm” hay “phán đoán” mang tính chất chủ quan để xác định tính chất của hành vi vi phạm.
Nghĩa vụ:
Khi áp dụng các chế tài khi vi phạm hợp đồng, Quý khách phải thực hiện các nghĩa vụ cần thiết kèm theo như: nghĩa vụ thông báo cho bên vi phạm, hạn chế tổn thất, bảo lưu quyền đòi bồi thường với bên thứ ba… Nếu không thực hiện các nghĩa vụ này, quý khách có thể sẽ mất quyền khiếu nại, áp dụng các chế tài, thậm chí còn trở thành người vi phạm từ vị trí của người bị vi phạm.