Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) là một trong những cơ sở để xác định ai là chủ sở hữu. Luật sư sẽ hỗ trợ tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai nói chung và Giấy chứng nhận nói riêng.
Luật sư tư vấn về đất đai.
Những nội dung mà Luật sư hỗ trợ tư vấn về đất đai sẽ không hạn chế dựa trên cơ sở pháp luật. Để đảm bảo sự chính xác trong quá trình tư vấn, ĐẤT SẠCH mong muốn khách hàng cung cấp thông tin về vụ việc một cách trung thực và đầy đủ.
Một số vấn đề điển hình bao gồm:
– Điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2013
– Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
– Tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất.
– Trình tự, thủ tục và mức bồi thường khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất.
Bên cạnh đó, chúng tôi xin gửi đến bạn tình huống cụ thể dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất.
Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bị người nhà lấy mất.
Câu hỏi:
Xin chào luật sư! Nhà tôi đang gặp một vấn đề về sổ đỏ, muốn được luận sư tư vấn thêm ạ, vụ việc như sau: Cách đây 2 tháng, mẹ tôi có đưa cho anh trai tôi sổ đỏ của gia đình để làm giấy tờ kinh doanh, đến hôm nay, lo lắng mẹ tôi gặng hỏi thì anh tôi nói đã làm mất sổ đỏ.
Anh tôi là một người hay lừa gạt gia đình để lấy tiền, nên giờ tôi cũng không còn tin anh tôi nữa, khi gia đình tôi nói sẽ trình báo công an nếu anh tôi không nói thật, thì anh tôi cứ vẽ vời đủ chuyện để mọi người không đi báo, chắc chắn là anh tôi đã mang sổ đỏ này đi làm gì đó. Sổ đỏ này đang đứng tên ba tôi (đã mất). Anh tôi là con trai cả trong gia đình. Bây giờ gia đình tôi nên làm gì và đã 2 tháng nay rồi, không biết anh tôi có thể làm gì với sổ đỏ đó. Mong được luật sư tư vấn.Tôi cám ơn rất nhiều ạ.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Trường hợp 1: Anh của bạn đã mang sổ đỏ đi làm gì đó và không chịu nói cũng không mang về thì có thể anh bạn đã thực hiện một giao dịch nào đó. Mà anh bạn không phải là chủ sở hữu của mảnh đất được ghi nhận trong sổ đỏ đó. Tại Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Theo đó, giao dịch dân sự mà anh của bạn thực hiện có mục đích và nội dung trái đạo đức xã hội vi phạm điều cấm của pháp luật thì đều vô hiệu. Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Do đó, hậu quả pháp lí của giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên và các bên sẽ trả cho nhau những gì đã nhận. Vì thế, hành vi lấy sổ đỏ của gia đình đi làm gì đó của anh trai bạn mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu mảnh đất là hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể lấy lại sổ đỏ thì mẹ bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự giữa anh trai bạn và người nào đó đang cầm sổ đỏ của bố mẹ bạn là vô hiệu. Sau đó, mẹ bạn sẽ lấy lại được sổ đỏ.
Trường hợp 2: Nếu anh bạn không mang sổ đỏ đi thực hiện một giao dịch nào đó và làm mất sổ đỏ thật thì mẹ bạn có thể khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mảnh đất của gia đình bạn về việc bị mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:
“Điều 77. Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất
- Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
- Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
- Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.”
Sau đó, Ủy ban nhân dân sẽ có trách nhiệm thực hiện công việc của mình. Hồ sơ xin cấp lại gồm:
Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận (theo mẫu);
Giấy tờ xác nhận việc mất Giấy chứng nhận của công an cấp xã nơi mất giấy;
Giấy tờ chứng minh đã đăng tin mất.
Thời gian để được cấp được quy định tại điểm q khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP là không quá 30 ngày:
“2. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được quy định như sau:
…..
- q) Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 30 ngày.”
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ ĐẤT SẠCH để được tư vấn miễn phí ạ.