Trên thực tế Sổ hồng và sổ đỏ không phải là loại giấy tờ được pháp luật nhà Nước quy định mà đây chỉ là tên gọi do người dân dựa trên màu sắc của mỗi loại giấy để tự đặt ra để gọi cho ngắn gọn cũng như để phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận.
Sự khác nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng.
Sổ đỏ là gì ?
Sổ đỏ: Là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, bìa giấy có màu đỏ với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất( có thể lag đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vườn, ao, đất rừng…) nên mẫu này có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai 2003, “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.
Sổ hồng là gì ?
Sổ hồng: Là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa ngoài có màu hồng với nội dung ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất nên mẫu này có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Theo Điều 11 Luật nhà ở năm 2005, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau đây:
a. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
b. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Sổ đỏ và sổ hồng sổ nào quan trọng hơn.
Tuy nhiên, nhằm để thống nhất thành một loại Giấy chứng nhận, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, hai loại Giấy chứng nhận nói trên ( sổ đỏ, sổ hồng theo cách gọi của người dân) sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi toàn quốc đối với mọi loại đất, nhà ở, và tài sản khác gắn liền với đất.
Kế thừa quy định nói trên, Điều 97 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền ở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này.
Như vậy, theo như các quy định vừa trích dẫn ở trên, sổ đỏ hay sổ hồng đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thực tế hiện nay vẫn đang lưu hành cả 3 loại Giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ), Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (Sổ hồng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận mới). Và cả 3 loại Giấy trên đều có giá trị pháp lý như nhau.
Thủ tục chuyển đổi Sổ đỏ, sổ hồng sang Giấy chứng nhận nhà đất mới hiện nay.
1. Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh tại cấp huyện, thông qua “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả”.
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
2. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ; chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm:
* Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;
* Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
* Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
4. Văn phòng đăng ký đất đai chuyển kết quả giải quyết về “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” để trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp đổi.
Việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cấp đổi được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng theo quy định như sau:
* Người sử dụng đất ký, nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới, Văn phòng đăng ký đất đai chứng kiến để” Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp;
* Tổ chức tín dụng có trách nhiệm giao trả lại Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
Cách để nhận biết Sổ đỏ, sổ hồng thật hay giả ?
Hiện nay vấn nạn sổ hồng, sổ đỏ giả đang là mối lo ngại với nhiều người khi tìm mua nhà đất khiến thiệt hại về tài sản là rất lớn. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt nên người mua cần phải thận trọng hơn trong quá tình xem xét giấy tờ.
Để nhận biết được sổ hồng, sổ đỏ thật hay giả mọi người thường căn cứ và chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền. Nhưng công chứng viên nếu không nắm rõ chữ ký của người có thẩm quyền cũng như không có mẫu khác để đối chiều thì khó mà phân biệt được.
Đối với những cuốn sổ được ép Plastic thì khả năng chúng được làm giả khá cao nên người mua cần cảnh giác bởi vì sổ giả thường được làm bằng cách quét lại sổ thật rồi in màu, chúng được in thành từng mặt rồi dán lại với nhau nên để không bị phát hiện các đối tượng thường ép plastic cho sổ đỏ, sổ hồng giả. Khi chúng ta sờ tay trên bè mặt sổ đỏ, sổ hồng giả sẽ không cảm nhận được những phần in nổi như sổ thật vì giấy tờ giả được in bằng hình ảnh.
Ngoài ra chữ ký của người có thẩm quyền trên sổ đỏ, sổ hồng hoặc giấy chứng nhận mới hiện tại được làm giả thường không sắc nét và không có vết hằn ở khì dùng lực ấn bút để ký.
* Dùng đèn pin để kiểm tra: Cụ thể, bạn sẽ chiếu đèn pin một gốc 10 -20 độ vào mặt giấy đúng vị trí có hình dấu góc dưới bên phải ở mặt trước của phần dấu nổi, tại vị trí này có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi. Nếu mã số hiệu bị đóng lệch đi so với hình dấu nổi và hình dấu được tạo ra bởi các chi tiết lõm và không rõ nội dung thì tỉ lệ đó là sổ giả rất cao.
* Kiểm tra bằng kính lúp: Đây cũng là một cách để nhận biết sổ thật được nhiều người áp dụng. Bởi vì sổ thật được in bằng phương áp in offset nên màu sắc thường sắc nét, màu mực đều màu trong khi đó sổ giả các chi tiết thường không sắc nét và có màu mực khác nhau.
* Kiểm tra các vị trí có thể bị tẩy xóa cơ học: Theo các chuyên gia giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự có một số vị trí trên sổ đỏ, sổ hồng, giấy chứng nhận mới dễ bị tẩy xóa như: Số sổ, loại đất, thời gian, diện tích, hình thức sử dụng.
Người mua nên kiểm tra Sổ đỏ, sổ hồng ở đâu ?
Hiện nay, theo quy định của Luật đất đai và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan thì cơ quan có thẩm quyền cấp và quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tải sản khác gắn liền với đất ( Sổ đỏ, sổ hồng) là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận( huyện), Vì vậy để kiểm tra chính xác nhất là sổ thật hay giả người mua có thể trực tiếp làm việc với những cơ quan này.