Từ trước cho đến nay, pháp luật luôn tôn trọng, bảo vệ người có tài sản di chúc để lại cho người thừa kế của mình. Người lập di chúc có thể lựa chọn bất cứ ai để cho hưởng di sản theo di chúc. Tuy nhiên, xét dưới góc độ đạo lý và dưới góc độ pháp lý thì cá nhân phải có những nghĩa vụ nhất định đối với một số đối tượng theo xác định của pháp luật, bởi vì cũng có những trường hợp người lập di chúc không cho những người mà mình có nghĩa vụ đối với họ được hưởng di sản. Chính vì vậy, Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc đã hạn chế một phần quyền của cá nhân trong việc lập di chúc. Đó là người để lại di sản bắt buộc dành lại một phần di sản của mình cho những người thân thuộc gần gũi.
Điều 644 quy định có 06 đối tượng được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
– Con chưa thành niên của người để lại di sản;
– Cha của người để lại di sản;
– Mẹ của người để lại di sản;
– Vợ của người để lại di sản;
– Chồng của người để lại di sản;
– Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản.
Theo đó, người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản. Tuy nhiên, không phải tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản đều là người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, để được nhận phần di sản những người này phải thỏa mãn các điều kiện sau:
– Người lập di chúc không cho họ hưởng di sản (người để lại di sản truất quyền thừa kế của người thừa kế thuộc đối tượng được hưởng không phụ thuộc vào nội dung của di chúc) hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật
– Đối tượng được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm: vợ hoặc chồng của người chết, con chưa thành niên (con trai, con gái, con nuôi, con đẻ, con trong giá thú, con ngoài giá thú, dưới 18 tuổi); cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi, con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) không có khả năng lao động.
– Không thuộc trường hợp những người từ chối di sản theo Điều 620 BLDS 2015.
– Không thuộc trường hợp những người không có quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 (Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi với người để lại di sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người đó; Người vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;…)