Câu hỏi: Gia đình tôi có 6 người con, 3 trai và 3 gái. Năm 2004, bố me có viết giấy ủy quyền sử dụng đất cho người con trai thứ 4, cuối tờ giấy có ghi nội dung (nếu sau này các con tôi gây khó khăn cho người con thứ 4 thì nhờ chính quyền can thiệp). Giấy này có chữ ký của bố tôi (bố tôi tự viết giấy), mẹ tôi, tôi và các anh chị em của tôi. Trong đó có 1 cậu em út ở xa nên ko ký vào giấy này. Sổ đỏ thì đứng tên mẹ tôi, nguồn gốc là do trước đây bố mẹ tôi mua của người hàng xóm. Năm 2017 thì bố tôi mất. Xin hỏi luật sư, giấy ủy quyền đó có giá trị và hợp lệ không ạ? Có được coi là di chúc của bố tôi không?
Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật. Đối với các yêu cầu cần tư vấn của bạn chúng tôi xin phép giải đáp như sau:
Đầu tiên, di chúc là gì? Thế nào được coi là di chúc?
Căn cứ Điều 624 BLDS 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Người lập di chúc có thể lựa chọn các cách lập di chúc như sau:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Người làm chứng cho việc lập di chúc có thể bất kỳ người nào, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự);
– Di chúc bằng văn bản có công chứng;
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
– Ngoài ra, còn có thể lập di chúc bằng miệng.
Theo quy định tại Điều 630 BLDS 2015 di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Bản chất của giấy, hợp đồng ủy quyền sử dụng đất?
Căn cứ Điều 562 BLDS 2015 thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong đó, thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Tại Điều 140 BLDS 2015 có quy định như sau:
“3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- a) Theo thỏa thuận;
- b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
- c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
- d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
- e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;
- g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.”
Như vậy, về bản chất, việc bố mẹ bạn ủy quyền sử dụng đất cho người con trai thứ 4 có nghĩa tức là người đó có quyền sử dụng thửa đất, tạo lập tài sản, xây nhà trên đất và thực hiện các hoạt động khác trong phạm vi được bố mẹ ủy quyền, còn bố mẹ bạn vẫn là chủ sử dụng của thửa đất này. Khi thời hạn ủy quyền chấm dứt hoặc bố mẹ mất thì việc ủy quyền kết thúc.
Qua việc phân tích ở trên, thì văn bản ủy quyền của bố mẹ bạn cho người con trai thứ 4 không được coi là di chúc, bản chất của hai văn bản trên khác nhau, chưa kể đến hình thức. Điều đặc biệt nữa, thời điểm mà bố bạn mất là thời điểm di chúc phát sinh hiệu lực, nhưng cũng là thời điểm hợp đồng ủy quyền chấm dứt hiệu lực. Như vậy, hợp đồng ủy quyền trong tình huống bạn nêu không được coi là di chúc mà bố bạn để lại. Trong trường hợp này, sẽ được coi là không có di chúc và di sản của bố bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế.