Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự 2015
– Luật công chứng 2014
Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài được xác định theo quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tại điều 663 bộ luật dân sự 2015 bao gồm các trường hợp sau:
1.Người để lại di sản là người nước ngoài hoặc là người VN định cư ở nước ngoài;
2.Người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc người VN định cư ở nước ngoài;
3.Tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Trước hết để phân chia di sản thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài cần phải xem xét tính hợp pháp của di chúc.
Đối với người lập di chúc cần phải xác định năng lực hành vi lập di chúc cũng như hình thức của di chúc theo quy định tại điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.
- Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:
- a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;
- c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.”
Như vậy, trong trường hợp người lập di chúc là công dân Việt Nam thì việc xác định năng lực lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc sẽ căn cứ vào pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp người lập di chúc là người nước ngoài thì sẽ căn cứ vào pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch, bất kể việc lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc diễn ra tại Việt Nam hay nước ngoài.
Khác với nguyên tắc áp dụng luật đối với việc xác định năng lực lập, thay đổi huỷ bỏ di chúc, hình thức của di chúc trong trường hợp có yếu tố nước ngoài không căn cứ vào quốc tịch của người lập di chúc mà căn cứ vào lãnh thổ nơi người lập di chúc để lại di chúc
– Về ngôn ngữ lập di chúc:
Pháp luật hiện hành không có quy định cấm người VN được lập di chúc bằng tiếng nước ngoài. Do đó, vẫn có thể lập di chúc bằng tiếng nước ngoài theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.
Nếu di chúc không công chứng, chứng thực thì có thể dùng ngôn ngữ nước ngoài tuy nhiên vẫn khuyến khích nên dùng tiếng Việt để tránh nhẫm lẫn nội dung di chúc, nếu di chúc qua công chứng thì bắt buộc phải là tiếng Việt (bởi Điều 6 Luật Công chứng 2014 quy định tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt).
– Người nhận thừa kế:
Người để lại di sản có thể để lại di sản cho người nước ngoài hoặc người VN có quốc tịch nước ngoài.
– Người nước ngoài lập di chúc tại Việt Nam:
Không có điều khoản nào quy định người nước ngoài không được lập di chúc tại VN. Tuy nhiên, để di chúc có hiệu lực tại Việt Nam thì bắt buộc hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và năng lực lập di chúc phải phù hợp với pháp luật của nước người đó có quốc tịch.